Kể từ năm 2020, Zoom đã trở thành cái tên quen thuộc với mọi người, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức giáo dục. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới dẫn đến giãn cách xã hội trong thời gian dài. Tất cả các hoạt động tụ tập đông người đều bị hạn chế, và hầu hết các hoạt động như hội nghị, gặp gỡ, học tập chỉ có thể tiến hành thông qua hình thức trực tuyến.
Zoom trở thành một trong những công ty công nghệ thành công nhất, kể từ khi COVID-19 bùng nổ
Bắt đầu xuất hiện trên sàn chứng khoán từ năm 2019, Zoom đã nhanh chóng trở thành một trong những công ty công nghệ thành công nhất, đánh bật cả những ông lớn kì cựu như Microsoft. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát buộc cả thế giới phải chuyển đổi sang hình thức làm việc và học tập trực tuyến, Zoom có số lượng người dùng trả phí gia tăng rất nhanh.
Lợi nhuận quý I/2021 của Zoom đã đạt hơn 227 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với mức lợi nhuận 27 triệu USD tại thời điểm trước đó một năm. Doanh thu cùng kỳ đạt 965,2 triệu USD, cao hơn nhiều so với mức doanh thu 328,2 triệu USD một năm trước đó. Và tiếp tục tăng trưởng trong quý II/2021 đạt trên 1,02 tỷ USD. Đây được coi là kết quả nằm ngoài dự đoán của cả Zoom cũng như thị trường chứng khoán phổ thông.
Đồng thời, theo số liệu của Refinitiy, ngày 30/8, Zoom đã dự báo doanh thu quý III/2021 sẽ nằm trong khoản từ 1,015 – 1,020 tỷ USD, con số này cho thấy cao hơn mức ước tính trung bình doanh thu 1,013 tỷ USD mà các nhà phân tích đã đưa ra. Con số này cho thấy mức tăng chỉ khoảng 31,2% so với tỷ lệ tăng trưởng gấp nhiều lần trong năm 2020 khi cuộc khủng hoảng COVID-19 đã biến Zoom trở thành một ứng dụng phổ biến với mọi nhà.
Đầu tư lớn để mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ
Theo ông Eric Yuan, CEO của Zoom cho biết, công ty ban đầu tập trung đáp ứng các nhu cầu hợp tác và liên lạc thiết yếu trong đại dịch COVID-19, làm phương tiện giúp các tổ chức và cá nhân tạo lập môi trường làm việc hiện đại ở mọi lúc, mọi nơi. Không dừng lại ở đó, Zoom tiếp tục phát triển thành một nền tảng rộng hơn cung cấp nhiều dịch vụ khác như hội thảo trên web hay trò chuyện và ứng dụng cho các bên thứ ba. Zoom đã có một cuộc đầu tư lớn để mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ của họ trong suốt thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.
Kể từ cuối tháng 3 năm nay, Zoom đã bắt đầu bán công nghệ hội nghị trực tuyến cho các công ty khác để họ có thể tích hợp vào các chương trình của riêng họ, tức là các sự kiện hội nghị trực tuyến đó vẫn chạy trên nền tảng Zoom nhưng không còn gắn mác thương hiệu Zoom nữa.
Sức ép trong tương lai gần
Trong thời gian tiếp theo, Zoom sẽ phải đối mặt với sức ép do sự sụt giảm nhu cầu đối với dịch vụ hội nghị trực tuyến khi việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 khuyến khích các trường học mở cửa trở lại và nhiều doanh nghiệp đã cho phép nhân viên trở lại văn phòng làm việc. Điều này sẽ khiến Zoom có nguy cơ sụt giảm 11% giá cổ phiếu trong những tháng cuối của năm 2021.
Các nhà phân tích cho biết, Zoom sẽ cố gắng ngăn chặn đà tăng trưởng chậm này bằng cách chi mạnh tay vào việc mở rộng và phát triển nền tảng của mình và Zoom Phone, sản phẩm gọi điện trên đám mây dành cho doanh nghiệp. Và gần đây Zoom cũng đã công bố mua lại nhà sản xuất phần mềm trung tâm cuộc gọi Five9 với giá 14,7 tỷ USD, đây được coi là thương vụ lớn nhất của Zoom và Kites GmbH, công ty hỗ trợ dịch ngôn ngữ theo thời gian thực.
Nguồn: Sưu tầm